Trường trung học phổ thông Lê Lợi

NHẬT KÍ DẠY VĂN - Cô Nguyễn Thị Thảo

Câu Lạc Bộ đại Học đơn Giản đọc Câu Lạc Bộ Văn Học Xã Hội, Xã Hội Văn Học,  Nền Poster Sinh Viên, Xây Dựng Giảng Dạy Hình nền Vector để tảiNgày… tháng… năm

   Mình bất ngờ khi bước vào lớp 12A2 hôm đó, có quá nhiều khoảng trống. Vắng 14 em - bị ốm. Mình biết lớp 12A2 không có tinh thần học bài, không siêng năng, không thích học…mình tự nghĩ: mặc kệ, không đi học thì hôm sau gọi trả bài cho biết. Vậy mà giờ học trôi qua rồi vẫn làm mình bận tâm. Những em vắng hôm nay học bài sẽ ra sao? Nếu mai này đi thi vào đúng những bài này thì các em sẽ làm bài thế nào?... Hôm nay mình dạy chẳng có hứng thú gì, dưới lớp nhìn chẳng có hứng thú gì, những nét mặt như cũng muốn trở bệnh…

 Ngày… tháng… năm….

    Mình thật ngỡ ngàng và buồn cười khi chấm bài học sinh. Tại sao ngày nay học sinh có cách diễn đạt “tự nhiên mà sinh động” vậy? Khi học sinh phân tích về nhân vật Chí Phèo, các em diễn đạt rằng:

“Thi Nở là một người có thần kinh không ổn định”

“Chí Phèo là một thằng vô liêm sỉ”

“Khi Thị Nở đưa bát cháo hành cho Chí Phèo thì hắn húp sồn sột’’

Hay đối với bài viết về Hồ Xuân Hương: Có một học sinh diễn đạt rằng “Hồ Xuân Hương là một người vô chính phủ, bà đã đả phá chế độ nam quyền”.

Dẫu chưa một lần mình diễn đạt như vậy nhưng thật buồn và mình nói với học sinh rằng: “Nếu người khác chấm bài chắc họ sẽ cười cô… các em hiểu không?’’

Ngày… tháng …năm

Khi mình hướng dẫn học sinh “Phân tích, nêu suy nghĩ của em về nhân vật đám đông – bạn cụ cố Hồng” (trong “Hạnh phúc của một tang gia’’)

Nhiều em trả lời rằng: “Đó là những người mang bản chất dê bởi những bộ râu, bộ ria đủ hình dạng, màu sắc’’.

Cả lớp được một trận cười khoái chí.

Có lẽ đó là suy nghĩ của các em chăng hay các em muốn “thử cách ứng xử của cô” cũng như Bá Kiến thường “thử thần kinh” người khác trước khi vào câu chuyện?

Mình hỏi lại: “Theo em dê là gì?’’ Không ai dám trả lời…

Cả lớp im lặng và ngỡ ngàng khi mình kể về điển tích tại sao gọi là “Dê’’…

Ngày…tháng…năm…

Khi  giảng bài “Tình yêu và thù hận” mình hỏi học sinh:” Qua lời độc thoại của Rô-mê-ô em hãy làm rõ nội tâm, tình yêu của Rô-mê-ô?’’

Nhiều cánh tay đưa lên.

“Thưa cô, Rô-mê-ô khao khát được đụng chạm vào cơ thể Ju-li-ét…’’

Vì sao em đọc được cảm xúc ấy?

Vì Rô-mê-ô nói “Kìa nàng tì má lên bàn tay. Ôi! Ước gì ta là chiếc bao tay để được mơn trớn gò má ấy’’.

Cả lớp lại một trận cười, những ánh mắt nhìn mình như dò xét, đắc ý…

“Cô hiểu ý em nhưng ai có cách diễn đạt hay hơn?’’

 Lại 4-5 cánh tay đưa lên “Thưa cô Rô-mê-ô muốn được ở gần và vuốt ve Ju-li-ét”…Và cũng trong tiết học ấy khi mình hỏi học sinh “Nêu cảm nhận về vẻ đẹp của Ju-li-et qua cách nhìn và qua tâm trạng của Rô-mê-ô?’’

Một em nữ trả lời:

“Thưa cô Ju-li-et mang vẻ đẹp đỉnh cao.’’

Tôi không giấu được nụ cười  bởi nhìn những gương mặt học sinh lớp 11 thật vô tư, ngây thơ, trả lời mà như không biết mình nói gì…

Ngày…tháng…năm

Đêm về mình suy nghĩ: thế hệ 9X ngày nay khác mình ngày xưa nhiều quá. Học sinh thật bản lĩnh, tự tin, táo bạo, giàu ngôn ngữ….hay vì quá nghèo cách diễn đạt…Thời đại thông tin với đa phương tiện…đã làm giàu cho ngôn ngữ chúng ta nhưng nếu dùng không đúng chỗ thì vô tình ta làm mất đi vẻ trong sáng của tiếng Việt. Mình sẽ có thêm dẫn chứng thực tế để dạy bài “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt’’ở tiết sau.

Ngày…tháng…năm…

 2 tiết văn liên tục - đó là rất cần thiết cho dạy học môn văn nhưng cũng lại khá vất vả cho cả giáo viên và học sinh. Tiết 1 đã hết, chuyển tiết 2 được 20 phút, cả lớp 12A1 biểu tình: cô ơi, nghỉ xíu đi, bọn em nạp không nổi nữa rồi. Thật ra thì mình cũng đã rã cả họng nhưng vì phải cố chạy theo chương trình thôi.

Uh, cho giải lao tại chỗ 5 phút, cho cô đi uống nước để nạp năng lượng cho thanh quản nha.

Hoan hô cô!

Thôi, mình tiếp tục hành trình nào.

Eo ơi, cô giết người không cần dao, kiếm...

Khẽ nhoẻn miệng cười, nhưng trong lòng cảm thấy hơi buồn, chẳng lẽ môn văn đáng chán đến thế sao? Hay là mình dạy chán thế nhỉ? Hay đầu óc học trò mình không dung nạp nổi những lời văn mà các em thường đánh giá là hơi xa thực tế...

Nghề cũng chính là nghiệp! Mình không muốn trở thành bác sĩ gây mê không hồi sức!

Có lẽ đối với mỗi giáo viên không chỉ trên bục giảng  mà sau mỗi giờ lên lớp là có biết bao dòng Nhật Kí về học trò của mình, về bài giảng, về…

 Ngày….tháng …năm…. Nhật kí mãi còn xanh…

Cô Nguyễn Thị Thảo

Các tin khác
.